4F346FCA-0EA6-4CAD-8324-5CA92F73896B

1. Nhớ Trịnh thì nhớ những gì? Nhớ “đường phượng bay mù không lối vào…”, nơi quán cóc rượu Kim Long, nem và tré. Con đường chiều chiều nàng vẫn đạp xe đi qua. Bốn giờ tới quán, sáu giờ ngà ngà say, cũng là lúc bóng hồng thấp thoáng. Nàng đẹp nhất khi say, đáng yêu nhất cũng khi say, tỉnh rồi đều “bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”, bỏ ta đi hay ta bỏ đi thì cũng thế.
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai? Nhiều lắm. Không chỉ Diễm, không chỉ là Dao Ánh. Những nàng như Hồng Nhung “quá gần gũi không biết phải gọi là ai!”… Những nàng như thiếu nữ trường Trưng Trắc Huế, trường Trưng Vương Hà Thành, “Lần đầu tiên đứng trước nhau, cả tôi và anh Sơn đều run. Tôi run vì quá trẻ và Sơn run vì anh quá… già!”…, là những ai? Làm sao biết được. Tất cả chỉ là tình ảo, tình mộng, đắm say nhưng là ảo, nồng nàn nhưng là mộng.
Tình hờn bờ sông Nhật Lệ, tình đau rừng thông Thiên Thai, tình ngọt gốc sấu Hà Thành, tình buồn cát trắng Hải Lăng, tình vớ vẩn đò sông Hương, tình very fun gầm Cầu Dài – Đồng Hới, tình vờ tuyết trắng Moskva, cả tình đắng ngắt trên máy bay to Sài Gòn một trưa nắng gắt… Những cuộc tình đủ vị nhưng chỉ là tình rỗng. Tình ảo và tình hát.
“Hát để mà yêu, yêu để mà hát. Thiệt không? – Thiệt! – Còn gì nữa không? – Hết rồi, rứa thôi. – Thiệt không? – Thiệt!”
Không ai có nhiều hơn một mối tình. Trịnh Công Sơn cũng vậy, anh chỉ có một mối tình. Ấy là khi anh yêu để mà sống, không phải yêu để mà hát. Người tình của anh cũng không phải yêu anh để mà hát, chỉ vì “cảm thấy mình sống khi được hát Trịnh Công Sơn”. Đó là Khánh Ly. Tình ấy còn đến bây giờ và sẽ còn mãi muôn sau, bất chấp những xì xèo sau những chuyến du ca.

2. “Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi một con người vì sợ mất tình mà giữ mãi một lòng nhớ nhung. Cuối cùng thì lòng yêu thương cuộc sống cũng không giữ lại đời người. Cuối cùng thì tình yêu không giữ được người mình yêu…”
Anh nói câu này khi nào? Nói sau Sương đêm, sau Ướt mi… hay sau Tình xa, Tình sầu, Tình nhớ…? Tình Trịnh Công Sơn như một tiếng thở dài, nhạc tình anh cũng thế. Buồn thì hẳn rồi, đau hình như không, nào có ai bội bạc anh đâu để mà đau? Được yêu nhưng không yêu được. Đời anh không có chữ phúc, nhạc tình anh cũng thế, chỉ có đắng, đắng hoài và đắng ngắt. Dù là điệu Slow, Blues hay điệu Boston cũng chỉ thấy đắng, không thấy gì.

3. “Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau.” Anh nói câu này khi nào? Sau Cát bụi, Một cõi đi về… hay sau Ru ta ngậm ngùi, Đêm thấy ta là thác đổ, Phúc âm buồn, Rừng xưa đã khép? Cũng có thể sau trận ốm thập tử nhất sinh tuổi 18, Sartre và Camus, Phật và Chúa đã ngấm vào anh, giúp anh sinh ra dòng nhạc thân phận không ai theo kịp cũng chưa thấy ai dám theo. Anh viết dòng nhạc này như Tagore làm thơ, như Rodin tạc tượng, như Faulkner viết văn… có phải thế chăng? Nhạc Trịnh đã ra thế giới và sẽ còn ra thế giới, không chỉ khúc Diễm xưa và Ngủ đi con. Cùng với Văn Cao và Phạm Duy, Trịnh Công Sơn đứng vào tốp ba đỉnh cao nhạc Việt thế kỉ 20. Rất có thể nhiều thế kỉ sau không thể có tốp ba nào được như tốp ba này. Có phải thế chăng?

4. “Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo…”. Anh nói câu này khi nào? Sau Ca dao Mẹ, Ngủ đi con… hay sau Gia tài của mẹ, Cho một người vừa nằm xuống, Đi tìm quê hương? Phật không dạy anh, Chúa cũng chẳng dạy anh, cả Sartre và Camus cũng ngoài cuộc trong dòng nhạc da vàng buốt đau và cuồng nộ.
Không phải Trịnh Công Sơn đẻ ra dòng nhạc phản chiến, nhưng chỉ nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn mới làm cả hai chính quyền tham chiến đều sợ hãi và né tránh, vì chỉ có Trịnh Công Sơn mới dám Hát trên những xác người. Việt Nam Cộng hòa tẩy chay nhạc Trịnh, cũng chỉ tẩy chay dăm ba bài. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cấm cửa hết thảy nhạc Trịnh có đến cả chục năm, mãi đến hôm nay dòng nhạc Da vàng, dòng nhạc phản chiến của anh vẫn còn bị cấm cửa.
Đôi khi thấy anh một mình đứng tựa cửa 26 Lê Lợi ngóng ra sông Hương mặt buồn như khóc, lẻ loi đến tận cùng lẻ loi. Đôi khi thấy anh ngồi bệt trên tấm chiếu rách quán rượu nghèo chị Phước, uống và hát như điên, uống và cười như dại, cô độc đến tận cùng cô độc.

5. ”Cái chết chẳng qua cũng chỉ là một sự đùa cợt sau cùng của cuộc sống.” Anh nói câu này khi nào? Sau cuộc say quán rượu nhà chị Hiếu đêm hè năm 86? Hay sau khi anh mua tặng tôi cuốn Qui luật của muôn đời? Không biết nữa.
Anh vỗ nắp thùng gạo nhà chị Hiếu hát như cuồng đến kiệt sức “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không?…”. Anh hát một lần, hát thêm lần nữa, một lần nữa vẫn chưa thôi. Ngô Minh khóc, Hoàng Phủ Ngọc Tường khóc, Vĩnh Nguyên khóc, tôi cũng khóc. Chỉ mình anh vui, vui như là lần đùa cợt sau cùng của cuộc sống.
Lần ấy đùa cợt để mà đùa, mười lăm năm sau anh mới đành đùa cợt để mà đi. Tháng này đây, ngày nay đây năm 2001. Uống rượu say, về cơ quan ngủ một giấc đến hai giờ chiều, tỉnh dậy nghe ai đó đang gọi máy, nói Trịnh Công Sơn đi rồi, đi lúc 12h45. Hệt như ngày nhận được điện ở quê báo tin ba mất, tôi ngồi ngẩn ngơ, đầu óc rỗng không, chẳng nhớ gì, chẳng nghĩ gì.
Bỗng từ giá đỡ bàn làm việc cuốn Qui luật của muôn đời rơi xuống. Chợt nhớ một buổi chiều quán rượu chị Phước, anh ném cuốn sách đó cho tôi, nói Lập đã ốm lần nào chưa? Anh ốm rồi. Chả hiểu anh nói gì. Đến khi đọc sách mới hiểu. “Con người ta cần ốm nặng ít nhất một lần trong đời”, Nodar Dumbadze đã nói thế. Thốt nhiên ngồi nghĩ vẩn vơ. Ừ nhỉ, anh Sơn đã ốm một lần tuổi 18, nhờ đó đất nước đã có một dòng nhạc bất diệt có tên là nhạc Trịnh. Còn mình thì sao, đến bây giờ mình chưa ốm lần nào cho ra ốm.
Chẳng ngờ một tháng sau tôi rơi vào trận ốm mười lăm năm không dứt. Trận ốm tuổi năm mươi chẳng giúp tôi có thêm được gì, ngoài những khổ đau ngày mỗi ngày chồng chất.
Dù vậy chẳng khi nào dám ghen tị với anh, chỉ thương nhớ anh, luôn luôn thương nhớ anh, cả khi anh sống lẫn khi anh đùa cợt lần cuối để mà chết. Như đêm nay chẳng hạn, ngồi thương nhớ anh cho đến 4 giờ sáng. Chỉ biết thương nhớ thôi, chẳng biết làm gì.

Nguyễn Quang Lập

❤️💕 HAY QUÁ. Luôn suy nghĩ tích cực và có cách nhìn lạc quan tự khắc Thân Tâm luôn cảm thấy An Lạc 🌺❤️🌹

SUỐT ĐỜI GẶP MAY 😁😀😜😜😃

🌾 Buổi sáng đi làm, Chị nhìn thấy bánh trước của chiếc xe máy bị xẹp hoàn toàn, Chị nghĩ:
“May quá, nếu xe xẹp lốp trên đường cao tốc thì không biết hậu quả sẽ ra sao”.
Vì phải dắt xe đi thay săm nên chị đến công ty trễ mất 15 phút. Bà phó phòng nói rằng Giám đốc cho gọi Chị. Chị nghĩ:

“Nếu giám đốc khiển trách về việc đi làm trễ thì mình sẽ thành khẩn xin lỗi chứ không thanh minh”.

Nhưng không có một lời khiển trách nào cả. Sếp gặp Chị để mong Chị thông cảm rằng, lẽ ra hôm nay Chị phải nhận được quyết định tăng lương, vì đã đến hạn, nhưng vì mục tiêu chống lạm phát nên chính phủ đã cắt giảm nhiều hạng mục đầu tư công, trong đó có một dự án của công ty. Do vậy, tình hình tài chính của công ty có gặp khó khăn nên Chị và một số người đáng lẽ được tăng lương đợt này nhưng phải lùi lại một thời gian và sẽ được đền bù vào kỳ tăng lương sau.

Chị về phòng làm việc với một niềm vui nho nhỏ:
“Vẫn là may. Nhà nước cắt giảm đầu tư công hàng chục nghìn tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp lao đao, phải giảm lương của cán bộ công nhân viên, thậm chí có đơn vị phải cắt giảm nhân lực. Mình không bị giảm lương, lại còn được đền bù vào kỳ tăng lương sau, thế là may. Cái may thứ hai là mình được làm việc với một ông Giám đốc tài ba và rất tử tế”.
Buổi chiều, Chị mua hải sản, làm một bữa cơm thịnh soạn để cả nhà ăn mừng ba cái may trong ngày của Chị.

🌾Ngày hôm sau, trên đường đi làm về, Chồng chị bị một gã ngổ ngáo chạy xe đánh võng va vào xe của anh ấy, khiến chồng chị bị tai nạn, xây xát ở chân và tay. Khi nghe chồng kể chuyện này, Chị nghĩ:
“Thế là quá may, bị tai nạn giao thông mà chỉ xây xát nhẹ chứ không phải vào viện”. Và chị lại làm một bữa để ăn mừng cái may của gia đình mình.

🌾Chị xin nghỉ việc ở công ty, ra lập doanh nghiệp riêng. Thương trường như chiến trường. Ban đầu vất vả lắm. Ngược xuôi chèo lái con thuyền công ty. Nhưng chị luôn giữ một tâm thái lạc quan tích cực như vậy. Ở đâu và bao giờ, nụ cười cũng luôn nở trên môi chị và nhờ thế, trong giao tiếp chị luôn chiếm được cảm tình của người khác và chị làm việc gì cũng hanh thông. Dần dà, công ty làm ăn khấm khá. Chị có dư của ăn của để.

🌾Bữa Chị mua căn biệt thự, nhờ người bạn làm nghề điện nước đến lắp đặt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trong và ngoài nhà. Chẳng ngờ, người bạn sinh lòng tham, lắp cho chị toàn bóng đèn hàng chợ nhưng tính với chị giá trên trời. Được dăm bữa, bóng đèn dở chứng, cái sáng cái tối. Ánh sáng chuyển màu, cái màu trắng cái màu vàng. Chị gọi ông bạn vàng kia thì mất hút. Chị chẳng lấy làm buồn. Chị bảo: “Cũng may không mua đèn của hắn để lắp cho showroom mà chị sắp khai trương. May mà có cậu em Thần Đèn tình cờ xuất hiện và thiết kế lại toàn bộ ánh sáng cho nhà chị. Nhà chị đẹp hơn, lung linh hơn rồi”.

🌾Đến một ngày, Chị phát hiện chồng có bồ. Anh chị chia tay. Chị nói với anh lúc đứng ở cổng tòa: “Thôi vậy cũng may. May mà biết sớm để rồi kết thúc sớm. May mà con mình cũng đã đủ lớn để hiểu chuyện của bố mẹ nó và không oán trách ai cả”.

🍁🍁🍁Như thế đó, chị là một người suốt đời gặp may. Đó không chỉ là một lối tư duy tích cực mà còn là một lối sống lạc quan và nhờ lối sống này mà những người sống quanh chị không bao giờ phải nghe tiếng thở dài.

Giờ đây tuy đã gần 50 tuổi rồi nhưng trông chị vẫn trẻ trung như tuổi 30.

Một lối sống lạc quan và tích cực là cái mà chúng ta hoàn toàn có thể tự tạo ra được. Và đó còn là sự biểu hiện của một con người có trí tuệ và đạo đức.

Và chỉ những ai làm được điều đó thì mới xứng đáng để được hưởng bình an và hạnh phúc trong cuộc sống.

NGƯỜI HẠNH PHÚC KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI ĐƯỢC SỐNG TRONG HOÀN CẢNH THUẬN LỢI MÀ LÀ NGƯỜI CÓ THÁI ĐỘ TÍCH CỰC TRONG BẤT KÌ HOÀN CẢNH NÀO.

(ST)

Bởi đôi khi giữa người yêu vẫn còn có sự riêng tư cần phải giữ, nhưng với tri kỷ thì những bí mật dường như không hề có giới hạn khám phá.
,tri kỷ,bạn đời,khác biệt,soulmate,life partnerNguồn ảnh: silvamethod.com

Một người bạn tâm giao, tri kỷ là người có sức mạnh thay đổi và ảnh hưởng đến tâmg hồn bạn theo nhiều cách khác nhau. Tri kỷ là một người mà không phải lúc nào chúng ta cũng có thể tìm được, họ ẩn rất sâu như chính bí mật của riêng mỗi người. Vậy nên khi có một ai đó có thể len lỏi vào từng ngóc ngách của tâm hồn bạn, thì hẳn đó là người tri kỷ. Họ hiểu và đồng cảm với cả mặt tốt và mặt xấu của bạn. Bởi đôi khi giữa người yêu vẫn còn có sự riêng tư cần phải giữ, nhưng với tri kỷ thì những bí mật dường như không hề có giới hạn khám phá.

Người bạn đời là một người bạn hay người cùng đồng hành mà bạn có thể yên tâm dựa vào và cảm thấy được bảo vệ. Bạn có thể tin tưởng họ đến suốt đời. Cảm giác về tình yêu và tôn trọng lẫn nhau, cả hai bạn đều hài hòa với các nhu cầu và mong muốn của đối phương. Người yêu là người chúng ta có thể cùng trải qua mọi khoảnh khắc nhẹ nhàng và lãng mạn nhất cũng như “bình thường” nhất. Bởi vì đơn giản chỉ cần làm những chuyện nho nhỏ cùng nhau thì trong lòng chúng ta cũng đã thấy vui.

Nhưng liệu có mấy ai đủ tỉnh táo và sáng suốt để không lầm lẫn giữa tri kỷ và một người bạn đời? Chúng ta đều phân vân liệu có nên níu kéo hoặc buông tay một người nào đó vì chúng ta có những tình cảm mãnh liệt với họ. Chừng nào bạn vẫn còn lưng chừng với quyết định cảm tính của mình, sự phân vân này có thể dẫn đến khổ đau cho mối quan hệ. Sau đây là 4 cách đơn giản bạn có thể tham khảo để tìm ra sự khác nhau thật sự giữa tri kỷ và bạn đời.

1. Giữa những người tri kỷ có một kết nối tâm linh sâu sắc. Bạn sẽ cảm thấy dường như mình đã biết người bạn này từ lâu. Với người bạn đời, bạn và họ tự hấp dẫn để đến với nhau, để phải lòng nhau và các phẩm chất của các bạn bổ sung cho nhau, khiến đối phương hoàn hảo.

2. Giữa tri kỷ với nhau sẽ có những khoảnh khắc “deja vu” thú vị, bạn sẽ cảm thấy như người bạn tâm giao đem đến cho mình những giây phút hạnh phúc, vui vẻ mà bạn đã từng trải qua và gần như quên đi trong đời. Trong khi đó, với một người bạn đời, bạn chỉ đơn giản là tận hưởng sự khác biệt và tương đồng lẫn nhau, cùng nhau xây dựng những niềm vui mới, những kỷ niệm mới.

3. Một người bạn tri kỷ có thể đọc thấu suy nghĩ của bạn dù họ chẳng bao giờ nói ra. Trong khi đó, người bạn đời của bạn không đến sống tâm linh như thế, họ chọn đi một con đường dài và luôn mong muốn trở thành người bạn thân thiết và dài lâu nhất của bạn.

4. Và cuối cùng, người tri kỷ thường nhận ra rằng mối quan hệ của các bạn có thể không kéo dài mãi mãi, đôi khi các mối quan hệ này cũng khá ngắn ngủi, nhưng cả hai bạn đều biết rằng tình cảm vẫn còn đó và rằng chúng ta cảm thấy thật thoải mái với sự vô thường. Người bạn đời luôn muốn cùng cố mối quan hệ bằng cách bắt đầu một cuộc sống gia đình, kết hôn, sinh con,… Họ sẽ nỗ lực làm mọi cách để sự nối kết giữa hai bạn thực sự lâu dài.

Nếu như bạn đang có một người tri kỷ như thế, hẳn là bạn rất may mắn trong đời. Bởi vì tri kỷ là thứ tình cảm vô định hình… Cái mà ta gọi là trên tình bạn nhưng lại thi vị hơn cả tình yêu. Hãy giữ và trân trọng những con người như thế trong cuộc đời bạn, vì chính họ sẽ đem đến những trải nghiệm tuyệt vời về cảm xúc lẫn tâm hồn.

Dịch và sưu

 

Chào 2016 !

Lớp Niềm Vui

Học trò dễ thương thiệt đó, cứ tíu tít đòi đặt tên lớp là Lớp Niềm Vui.  Sau 6 năm mọi người cứ quen gọi là Lớp cô Nụ, nay lớp đã có tên là LỚP HỌC NIỀM VUI. Ai đó có thể cho là sáo, sến, chảnh, nhưng học trò gọi tên lớp bằng niềm yêu.

Thầy quản lý nói đùa:

– Sở quy định mỗi lớp 45 em thôi, cô coi bị phạt đó, hi hi…

Mình cười:

-Lớp sẽ nộp phạt bằng niềm vui, hi hi…

Bác bảo vệ nói đùa:

-Cô mà dạy thêm cua ni bằng lương tui làm nửa năm, cô hay thiệt .

Mình cười:

-Ý bác nói là dễ thương chơ chi, cạm ơn bác nhe

– He he … cô vui tính.

Cô trò mình kết bạn được 2 tuần rồi đó.

Giờ này, ngày này, năm ngoái, mình không dám tin rằng độc giả có thể sớm được đọc tiểu thuyết Tình cát

Cổ kim hận sự thiên nan vấn

Phong vận kì oan ngã tự cư

Tố Như

nam linh

Nhận được sách tặng từ khi sách chưa “ra mắt”, vui bấc ngấc í 

Mình không muốn chộn rộn, càng không muốn học trò chạnh lòng và mặc cảm, cho nên quyết định từ năm nay không mở lớp dạy miễn phí mà mua phiếu tặng học trò (một dạng học bổng), như thế thì em miễn phí sẽ học chung với em có phí. Lấy phiếu của lớp mình dạy tặng cho học trò mình dạy nghĩa là mình đã đóng thuế mỗi phiếu 15%, cái này khác miễn phí.

Nhưng, số em theo học cũng ít dường như các em ngại.

Không phải nói rằng quá tự tin chứ mình có sức mà dạy thì thuộc vào top ten, mở lớp miễn phí bao giờ cũng thiếu chỗ ngồi.

Mình cứ băn khoăn hoài, tâm sự với chồng (chuyện chi mình cũng nói với chồng hết, kể cả chuyện mê thủ tướng đẹp trai), chồng mình nói để anh thuê thêm người về phụ việc nhà, em thu xếp thời gian mà mở lớp, dạy tuần 1 buổi cũng được. Rứa là mình lại mở lớp.

Mấy năm ròng, có người nọ người kia xì xầm mình dạy miễn phí để quảng cáo, để  dụ học trò tới học thêm. Nói như ai đó thì kiểu suy nghĩ này hoặc là ngu xuẩn hoặc là khốn nạn. Kệ họ, mình vẫn lặng lặng mà làm cho tốt.

Chiều nay,  khai giảng khóa học miễn phí thứ 7, khóa này mình dạy 6 tháng. Mỗi tuần 1 buổi 2 tiếng lên lớp, sau đó giao bài tập cho học trò tự làm, mình thu bài  về nhà chấm trong 2 buổi tối, mỗi buổi 2 tiếng. Nếu tính công như trung tâm trả lương thì mỗi tháng mình miễn phí khoảng tháng lương.

Trích một cái status facebook nhé, đây là đoạn chat của 2 học sinh trường khác

mien phi

Trả lời thắc mắc
Năm nào cũng thế, cô cứ mở lớp miễn phí là có thắc mắc, thường thì cô im lặng, cứ lặng lặng mà làm việc cho tốt.
Hôm nay, tình cờ, cô đọc đoạn chat dễ thương, học trò thắc mắc cô dạy miễn phí thì ăn kiểu chi, ý là lo lắng cho cô. Cũng đúng thôi, giáo viên lương thấp mà.
Các em cứ yên tâm, cô có lương và ngoài lương có 2 lớp dạy thêm. Với cô, vậy là đủ sống rồi. Cô cũng chỉ nhận dạy thêm với số lượng có hạn để đảm bảo chất lượng, cô vui vì lúc nào học trò cũng đi học đông đủ, chuyên cần.

Mình tởm loại này lắm, rặc một mớ lí thuyết và trịnh thượng kinh khủng.

mệt mỏi

Dạo này, mình thèm ngủ ghê gớm, rảnh chút là ngáp như con nghiện.

Tuần mình dạy 18 tiết chính khóa, 12-15 tiết dạy thêm, chưa kể vô thiên lủng việc không tên ngoài chuyên môn, rồi thì chấm bài nữa. Nói chung là vắt kiệt sức.

Cu Gấc nói lâu rồi cuối tuần mẹ không bày tiệc. Ừ nhỉ, mấy tháng rồi mình đánh mất chút ấm áp cuối tuần của gia đình. Mình hứa tuần sau làm đồ nướng, chỉ cần sửa lại cái lò nướng than ngoài trời là sẽ có bữa tiệc nho nhỏ ở góc vườn.

Sáng này, dậy sớm nấu cháo, mình ngủ gục bên bếp luôn, may sao lúc giật mình tỉnh dậy cháo không bị khê.

Chóng chày cũng qua đoạn này thôi.

khôn lỏi ?

Có vẻ như mình đã nhiễm thói xấu này

Hôm rồi, góp ý giờ thao giảng, một đồng nghiệp nhận xét chứng tỏ người đó vừa sai về phương pháp vừa lệch về kiến thức, bình thường thì mình đã phản biện và phân tích rõ ràng vì sao mình dạy như thế, chắc chắn chia sẻ của mình sẽ giúp đồng nghiệp giỏi hơn lên, nhưng lần này mình vui vẻ nói sẽ rút kinh nghiệm, thặm chí còn cảm ơn. 

Thấy áy náy, thấy ngượng 

Ngẫm, xã hội mà không có phản biện thì gay go xì ki.

?!

Trước cái chết của hàng trăm người vô tội mà cho là quả báo ư ?

https://www.facebook.com/linh.giang.739/posts/1161731997173623

Chợt nhớ vụ 11/9, có  đồng nghiệp của mình hả hê vô cùng, kêu Mĩ thật đáng đời.

Hôm kia, tình cờ thấy người đồng nghiệp đó đang nói chuyện với một lãnh đạo, vì lịch sự mà mình chào hỏi cả hai, người đó ra chừng không muốn đáp lời, có lẽ muốn tỏ ý với lãnh đạo là không thân thiết chi với mình, không liên quan chi với đám chơi facebook. 

Hôm qua, lại một đồng nghiệp nói: Pháp bị trả thù là phải rồi.

Chẳng biết chữ “phải” ấy là IS phải, IS giết người là phải ?!

vô đề

Thuốc nào chữa cho bệnh tàn ác và ngu xuẩn ? ác và ngu có liên hệ biện chứng chi không ?

Ngày 13/11/2015, Pháp bị bọn khủng bố thảm sát, số nạn nhân trong khủng bố đẫm máu ấy bằng số tử vong vì tai nạn giao thông ở Việt Nam đều đều trong năm bảy ngày, non tuần lễ.

Sáng 14/11/2015, mình vào facebook đọc báo lề đời, thấy bà con ào ào đăng chia sẻ, họ rất thương xót những người dân lành và phẫn nộ bọn dã man vô cùng. Mình hoảng hốt điện thoại, nhắn tin hoài chẳng thấy người thân và bạn bè trả lời. Riết rồi thấy nhắn facebook và zalo, chẳng ai hề hấn chi, rứa là yên tâm. 

Ngày nào cũng vậy, cứ ngủ dậy là mình đối diện với nỗi sợ hãi tai nạn giao thông. Suốt cả ngày, lúc vùi vào việc thì chớ, rảnh chút là lo sợ, nhất là giờ các con đi học về, giờ chồng đi làm về muộn. Tối, cả nhà quây quần bên nhau mới an tâm rằng một ngày đã trôi qua trong bình yên.

Khủng bố thì phải diệt, đương nhiên rồi.

Tai nạn giao thông đương nhiên phải hạn chế tới mức thấp nhất nhưng cũng chỉ khi nào con người ta thấy mạng sống của mình quý giá và mạng sống của người khác cũng quý giá thì mới bớt tang thương.

Vì sao chồng mình có thể chóng vực dậy sau khốn đốn ?

Vì mình làm hòn đá nhỏ xíu chêm nêm cho tảng đá to đùng

Mình đi dạy thêm, thu nhập chẳng đáng là bao, mình không tham chứ không phải việc này thu nhập ít. Khoản be bé của mình giúp chồng khỏi lo miếng cơm manh áo hằng ngày, có thể dồn lực vực dậy sau lao đao.

Ngẫm, nước mình đang nợ toe loe, nếu mỗi công bộc biết làm hòn đá chêm nêm thì chẳng mấy chốc mà qua lận đận a.

Quà sinh nhật

Thực sự mình không tốt đến vậy đâu nhưng mình cảm động khi đọc bài viết của người tri âm tri kỉ.
Cảm ơn em Lam Thi Thuy nhé !
Tặng chị với nhiều yêu thương, quý trọng! Mong chị giữ gìn sức khỏe để mãi luôn là người truyền cảm hứng…!
NGƯỜI TRUYỀN CẢM HỨNG
Hoạt náo viên (cheerleader) là người cổ vũ và kích thích khán giả cổ vũ cho các hoạt động cộng đồng, thường là hoạt động thể thao. Họ là người luôn đem đến cho mọi người một không khí náo nhiệt, hứng khởi. Tôi đang muốn nói đến một người không phải là một hoạt náo viên nhưng đã có sức lan tỏa và truyền cảm hứng sống và làm việc đến người khác, đó là cô giáo Lê Nam Linh, giáo viên ngữ văn trường THPT Lê Lợi – Tp Đông Hà.
Thời gian gần đây, không ít giáo viên, học sinh quay lưng với môn Ngữ văn với nhiều lí do, thì cô giáo Lê Nam Linh lại say mê và hết mình với nghề. Những giờ lên lớp của cô luôn luôn sinh động, cuốn hút, tràn đầy nhiệt huyết và say mê. Đó là điều không phải giáo viên nào cũng làm được bởi nó đòi hỏi cả một quá trình không được phép mệt mỏi và luôn tìm tòi nghiên cứu. Bằng chứng thuyết phục nhất là cô đã hoàn thành một thư viện điện tử chứa đựng nguồn tư liệu vô cùng phong phú sau hơn 5 năm miệt mài, góp nhặt, nghiên cứu với tên gọi: “Hệ thống tư liệu phục vụ cho việc giảng dạy bộ môn ngữ văn ở trường THPT”. Kho tư liệu này được coi như một thư viện với cách sắp xếp khoa học, hệ thống, dễ dàng tìm kiếm và rất thiết thực cho công tác giảng dạy. Hiện nay, cô Linh vẫn liên tục cập nhật thông tin bổ sung và luôn sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn tận tình với mọi người về kho tư liệu quý của mình.
Là một giáo viên có nhiều tâm huyết với nghề, với học sinh, cô giáo Linh đã mở lớp phụ đạo miễn phí, phát tài liệu miễn phí cho các em học sinh thi lại môn Văn của trường. Có những buổi học trời mưa, chỉ có một cô một trò nhưng cô vẫn lên lớp đúng giờ và tận tình giảng dạy. Hiện nay cô đang thực hiện mở lớp phụ đạo miễn phí cho học sinh có điểm thấp môn văn khối THPT trên toàn tỉnh Quảng Trị. Cô dự định sẽ dạy lớp học miễn phí này cho đến khi không còn đủ sức khỏe. Tiếp xúc và làm việc với cô, mỗi giáo viên đều như được tiếp thêm sức mạnh yêu nghề, tiếp thêm lửa cho công việc mà không ít lần họ cảm thấy mệt mỏi. Làm sao cô có thể duy trì được nhiệt huyết yêu nghề suốt cả chiều dài thời gian như vây? Cô Linh chia sẻ: “Tôi chọn nghề giáo vì yêu thích, tôi sẵn lòng về miền quê, xa nhà, với nhiều khó khăn vất vả để được đi dạy học. Tôi nghĩ làm nghề gì cũng phải xuất phát từ tình yêu, lòng đam mê, tự trọng nghề nghiệp, tận tụy với nghề. Với nghề dạy học, có thể chỉ cần có kiến thức, có hiểu biết và có nghề sư phạm là có thể đứng trên bục giảng, riêng văn thì cần phải có tình yêu. Nếu không yêu văn mà dạy văn thì sẽ làm cho mình mệt mỏi suốt đời, làm cho học sinh ngày càng chán ghét môn văn”.
Là một trong những giáo viên có nhiều trăn trở về văn hóa đọc, cô Linh đã nỗ lực, khát khao khơi dậy văn hóa đọc bằng nhiều cách, qua nhiều kênh khác nhau. Cô thường xuyên vác cả ba lô sách lên tận lớp để giới thiệu một cách trực quan cho học sinh. Lồng ghép thời gian trên lớp để giới thiệu, kể về các tác giả, tác phẩm đạt giải Nobel các năm theo kiểu “phim nhiều tập” để kích thích, khơi gợi hứng thú tìm đọc cho các em. Công việc này đòi hỏi nhiều về thời gian, công sức, tiền bạc và cả tâm huyết, năng khiếu kể chuyện. Ngoài ra, cô còn cập nhật, giới thiệu về sách mới và thói quen đọc sách trên trang facebook của mình để kích thích văn hóa đọc cho học sinh và nhiều người khác nữa.
Với trang cá nhân “Nụ cười” ra đời từ rất lâu, cô đã đem đến cho nhiều người nụ cười thực sự trong cuộc sống. Đó là thái độ sống hết mình, làm việc hết mình, cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Được nói chuyện và tiếp xúc với cô “Nụ cười”, bạn sẽ luôn cảm nhận được một trái tim rực lửa nhiệt huyết, đó là điều cô luôn duy trì, không chỉ trong nghề nghiệp mà trong cuộc sống đời thường. Thái độ sống tích cực tỏa ra từ con người cô đủ sức lan tỏa và truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta tin vào điều thiện, lòng tốt và hướng về những những điều tốt đẹp.
Vượt xa tác động của một hoạt náo viên, họ chỉ duy trì lửa trong thời gian làm chương trình, còn cô giáo Lê Nam Linh có thể duy trì và giữ lửa mọi lúc, mọi nơi suốt gần 20 năm làm giáo viên, làm con, làm vợ, làm mẹ…của mình. Mỗi chúng ta, nếu cố gắng, ai cũng có thể tiếp thêm cảm hứng tích cực cho mình và lan tỏa, truyền cảm hứng tích cực cho người khác.
PS:
Mình không còn lớp dạy miễn phí nữa mà chỉ có 2 lớp luyện thi đại học, có phí, tất cả các em đều có phiếu vào lớp như nhau. Mình tặng phiếu vào lớp cho những học sinh khó khăn và chăm học.
Mình không thích chộn rộn và không muốn các em ngại ngần.

nản

Sau tiết dự giờ, một học sinh chạy theo:

  • Cô ơi, em nhớ cô lắm, sao cô không dạy lớp em ?

Mình cười, chưa kịp trả lời, cô bé lại nhanh nhảu nói:

  • Cô ơi, dự giờ ni hay rứa chứ bình thường giáo viên chẳng dạy chi cả, chỉ đọc cho tụi em chép bài, chán lắm, bài cũng hời hợt lắm. Hồi trước cô dạy kĩ càng, tụi em hiểu bài, tụi em thích học văn, chừ thì chán lắm

Nghĩ mà buồn

Đôi khi, mình thấy nản, thấy cô đơn dễ sợ.

Lấy phiếu

Từ năm nay, mình không miễn phí nữa, mình tự bỏ tiền ra lấy phiếu vào lớp  rồi đưa phiếu cho học sinh. Tối nay, mình đi lấy phiếu, một em chạy theo: cô ơi, tháng ni cô cho em nộp nhé, bame em làm có rồi, nhà em đỡ đỡ rồi. Mình thấy vui.

Mình nghĩ, tốt cũng phải biết cách.

Ảnh ni mình nhặt ở tờ báo chi đó, quên rồi

Untitled-4949-1446612349

8 diem - Copy

Trên facebook, học trò vui báo kết quả thi THPT Quốc gia năm 2015, mình lâng lâng niềm vui.

Bấy lâu nay mình không đồng tình cũng không phản đối việc dạy thêm. Vốn dĩ mình rất ba phải.

Mình nghĩ nếu giáo viên không ép và học trò có nhu cầu thì là chuyện bình thường thôi.

Nhà mình có đủ ba bữa cơm rau, các con có thêm hộp sữa là nhờ chồng mình dạy thêm. Chồng mình là thầy giáo dạy toán ở trường trung học phổ thông, anh í được rất nhiều học trò trong tỉnh biết tiếng và mến mộ. Lớp dạy thêm bao giờ cũng không còn chỗ trống.

Mình không dạy thêm, đúng hơn là có dạy miễn phí, gọi là phụ đạo cho học sinh yêu văn thôi. Mình rất ngại và thấy không phải khi thu tiền của học trò. Cũng có mấy trung tâm nghe tiếng của mình nên họ gọi mời, ước tính mức phù lao gấp mấy lần đồng lương còm nhưng mình từ chối. Dạo này, nhà mình kẹt quá, bao nhiêu người thân mắc bệnh hiểm nghèo, chi phí thuốc thang thật khủng khiếp. Mình không nỡ chỉ biết quanh quẩn với nhà-trường-chợ mà để chồng một mình vất vả bươn chải. Vậy là mình đăng kí dạy thêm.

Buổi đầu đi dạy, mình ngượng nghịu lắm, phần vì phá vỡ những gì mình ngầm quy ước bấy lâu, phần vì lo lo không có học trò. Nào ngờ lớp dạy thêm của mình đông nghịt, học trò từ các trường ùa về đăng kí học. Mình mở thêm lớp vẫn còn thiếu chỗ. Vì sức khỏe có hạn nên mình đành phải khóa sổ để đảm bảo chất lượng. Tháng đầu tiên mình choáng, không ngờ môn văn mà lại có thu nhập khủng như rứa. Tháng sau, mình yêu cầu giảm 1/3 học phí, miễn cho học trò hộ nghèo và có hoàn cảnh đặc biệt, dù thế mình vẫn đứng top đầu bảng lương của trung tâm.

Dạy thêm cũng vui cũng hay nhưng có lẽ qua chặng eo ngặt này thì mình sẽ như xưa, túc tắc với lớp miễn phí cho trò nghèo yêu thích học văn.

khoe đũa

đũa inox

Đàn bà gì đâu mà vô duyên vô hậu, nhà có mấy đôi đũa cũng đem khoe, bữa cơm rau cả làng face đều biết, thiệt là mất nết, hi hi…
Ba đôi đũa này nằm trong 3 bộ đũa mình mua năm 1996, 2002, 2012, (từ trên xuống dưới) mỗi bộ có 20 đôi. Mười mấy năm nay nhà mình chỉ dùng đũa inox.
Chuyện là, mình đến nhà bạn chơi, thấy có bộ đũa gỗ quý, đầu bịt vàng và bạc quá đẹp.
Bạn nói:
– Đang mơ có bộ đũa bằng ngà, dùng đũa này mới đảm bảo vệ sinh, đũa gỗ đũa tre hay bị mốc.
Mình nói:
– Có loại còn đảm bảo hơn nữa, lại bảo vệ môi trường, đũa inox í mà.
Đũa inox so với đũa gỗ đũa tre thì lợi ích kinh tế hơn nhiều, dùng vài trăm năm vẫn tốt, mà giá chỉ 5k/đôi.
Nếu nhà nhà đều có thói quen dùng đũa inox thì hằng năm hàng vạn cây gỗ cây tre sẽ không bị đốn, vài trăm chú voi không bị cưa ngà, hi hi…. rứa là cũng góp phần bảo vệ môi trường chớ bộ.
Đũa inox cũng đã dần được trau chuốt cho đẹp xinh và dễ gắp hơn. Bộ thứ nhất đúng là khó gắp, bộ thứ 2 duyên dáng và đầu đũa có tiện vòng xoáy cho dễ gắp, bộ thứ 3 thì lướt hẳn anh cả chị đầu, thanh mảnh và điệu đà chi lạ.
Hôm nay nhà có việc, mình đem đũa ra luộc, sực nhớ là chưa lần nào khoe đũa inox.
Giờ thì mình khoe xong rồi đó, thiệt là thỏa mãn.

fave

Đồng nghiệp của mình đột quỵ trên bục giảng và ra đi mãi mãi. Buồn da diết.

t4 t1 t2 t3

Mình chưa gặp thầy Đ nhưng mình đã đến trường thầy gác thi vào mùa hè năm 2012.

Đó là một trường cấp 3 ở vùng  bãi ngang. Trường gần chợ cá, suốt quanh năm ngày tháng mùi tanh nồng sộc khắp các phòng học.

Mình nghỉ lại một đêm, đúng là đêm hãi hùng. Căn phòng tập thể sập sệ, gió thốc tứ phương, nước tắm sặc mùi phèn.  Khu tập thể không có nhà vệ sinh, phải đi chung với học trò ở nhà vệ sinh “600 triệu ?” không có nước dội, nền gạch và bờ tường lở loét.

Buồn thiu.

 

Chị HCC

Chị đẹp lắm, thời sinh viên xinh nức tiếng trường sư phạm.

Chị lấy chồng, sinh hai con gái xinh hơn hoa hậu.

Chồng chị vừa muốn có chức quyền vừa muốn có con giai nối dõi.

Ly dị.

Một mình chị chăm nuôi các con.

Đồng lương giáo viên bèo bọt khiến chị phải vật lộn với trăm thứ việc mưu sinh.

Vù đầu làm lụng, chị lãng quên mấy cơn đau lâm râm chợt đến chợt đi.

Tháng trước, chị  ho ra máu rồi ngất xỉu.

Bác sĩ lắc đầu.

Chị về nhà, niệm Phật và nhờ thuốc nam.

Chị in tấm ảnh mặc áo dài tươi cười dưới nắng sân trường, dặn làm ảnh thờ.

Nguồn : http://nguyentrongtao.info/2014/12/28/co-mot-nguyen-quang-lap-nha-giao/

NTT: Nhận được bài viết của nhóm học trò biên kịch phim của thầy Nguyễn Quang Lập, tôi khá bất ngờ. Bất ngờ vì Lập đã dạy dỗ nên một lớp người trẻ tuổi hiểu biết sâu sắc cái nghề họ sẽ làm. Bất ngờ vì học trò rất am hiểu và kính trọng người thầy của mình. Có lẽ việc Nhà văn Nguyễn Quang Lập (bloger Quê Choa) bị bắt tạm giam đã làm lay động tâm hồn các em, và các em đã cất lên tiếng nói tự trái tim về người thầy kính yêu của mình. Thật đáng trân trọng…

CÓ MỘT NGUYỄN QUANG LẬP NHÀ GIÁO…

Nhóm học trò thầy Nguyễn Quang Lập

Nhóm biên kịch và các diễn viên phim "Lập trình cho trái tim". Ảnh: Lương Trần.

1. Có nhiều người biết một Nguyễn Quang Lập, nhà văn  của “Những mảnh đời đen trắng”, “Tiếng gọi phía mặt trời lặn”, “Tình Cát”, “Ký ức vụn”, “Chuyện đời vớ vẩn”…

Có nhiều người biết một Nguyễn Quang Lập của sân khấu kịch với “Mùa hạ cay đắng”,  “Lý Thường Kiệt”, “Điện thoại di động” “Đứa con bị đánh cắp”…

Có nhiều người biết một Nguyễn Quang Lập, nhà biên kịch của những kịch bản điện ảnh Việt Nam xuất sắc “Đời Cát”, “Thung lũng hoang vắng”, “Không có Eva”, “Đảo của dân ngụ cư”, “Cảnh sát hình sự” (viết chung)…

Có nhiều người biết một  Nguyễn Quang Lập đầy dấu ấn của Văn Nghệ Trẻ,  một Nguyễn Quang Lập tham gia khởi lập tạp chí Cửa Việt…  Một Nguyễn Quang Lập của Nhà xuất bản Kim Đồng…

Và hẳn, càng nhiều người biết một Nguyễn Quang Lập, người tạo nên chiếu rượu “Quê Choa”, nơi mà các bạn văn và độc giả gọi ông bằng cái tên trìu mến “Bọ Lập”.

Nhưng,  chúng tôi, những lứa học  trò đầu tiên, lại tự hào, bởi chúng tôi biết đến một Nguyễn Quang Lập mà rất ít người biết tới. Một Nguyễn Quang Lập – thầy giáo. Một  Alexan Đờ Cu Lập của riêng chúng tôi.

2. Năm 2006,  Khóa đào tạo  Biên kịch, Lý luận phê bình điện ảnh do quỹ Ford  tài trợ đặt tại trường Nhân văn chính thức khai giảng khóa đầu tiên. Trong buổi ra mắt, bên cạnh những cái tên quen thuộc Đặng Nhật Minh, Phạm Nhuệ Giang … chúng tôi lần đầu biết đến Nguyễn Quang Lập, người đàn ông  với bước chân tập tễnh, đôi mắt biết cười. Người đàn ông ấy khi ngồi ở bàn chủ tọa một tay vẫn nhoay nhoáy nhắn tin dưới gầm bàn, dáng điệu vô cùng bình thản.

Cũng người đàn ông ấy, khuôn mặt chẳng chút phật lòng khi cả chục học viên lớp biên kịch mà ông đảm trách, không một đứa nào biết ông là ai, ông viết cái gì. Nhưng ông đã làm cả lũ học trò đang uể oải, lơ đãng lúc đó ngồi thẳng người với câu tuyên bố sấm sét:  “Thầy có thể biến một con bò trở thành nhà biên kịch!!!”

Sau 8 năm, lời tuyên bố tưởng như “nổ tung giời” ấy đã trở thành hiện thực. Những “con bò” đầu óc hoàn toàn phẳng phiu, hoàn toàn không có những ý niệm nào về phim ảnh, về kịch bản, về cấu trúc, nhân vật khi đó…  giờ đây, đã trở thành những người làm nghề, những biên kịch thực thụ.

Nhưng hẳn, đó là chuyện của 8 năm sau. Còn khi đó,  những giờ học của thầy luôn làm lũ học trò chúng tôi đầy cảm xúc. Hào hứng, phấn khích, lo sợ.

Hào hứng bởi lẽ, thầy không hề giấu nghề, giáo án do thầy tự soạn thảo, được in phát cho học viên theo từng ngày lên lớp.

Phấn khích là ở chỗ, ngay trong buổi học, chúng tôi đã có cơ hội cùng nhau tạo nên những câu chuyện, những kịch bản, có thể “bán ra tiền” ngay lập tức. Bằng chứng chính là “Cho em một ngày vui”,  một bộ phim “bài tập” mà chúng tôi cùng nhau làm, sau đó đã đoạt giải HCB Liên hoan phim truyền hình toàn quốc lần thứ 26. Tiền nhuận bút vừa chia nhau, vừa liên hoan bét nhè vẫn không hết.

Còn lo sợ là vì, thầy Lập là người đòi hỏi rất cao ở học viên. Thầy đã nói ngay từ đầu, thầy yêu cầu “sự trung thực”- có lẽ vì chữ đó thôi mà nhờ đó thầy dành được vinh quang, được ngàn người mến mộ nhưng cũng vì chữ “trung thực” đó mà thầy gặp muôn vàn khổ nạn trong đời mình. Ngu dốt có thể chấp nhận, nhưng lười biếng thì không.  Sự lơ là, đối phó là thứ thầy ghét nhất.  Và khi đã chạm vào thứ mà thầy ghét, thì thầy mắng thẳng, mắng nặng, mắng rát mặt thì thôi.

Nhưng, thật ra, sự sợ hãi của chúng tôi ngày đó, không hẳn là sợ bị mắng.

Mà chúng tôi sợ thầy thất vọng…

Bởi lẽ, hơn ai hết, chúng tôi biết thầy đã giành cho chúng tôi tâm huyết như thế nào…

3. Ngay khi khóa học còn chưa kết thúc, vào một buổi chiều ở Linh Đàm, thầy gọi  hai đứa tên Hà, hai đứa tên Thủy trong lớp đến, hỏi có muốn làm phim với thầy không? Và khi mà bốn đứa mắt còn đang tròn xoe, chưa biết thế nào, thầy đã quẳng mỗi đứa 2 triệu tiền tạm ứng, và bảo, nếu thích rèn nghề, thích kiếm tiền, thì làm với thầy.

Và, chúng tôi, đã bắt đầu những chặng đường làm nghề đầu tiên như thế. Phim “Âm tính” do thầy Lập dẫn dắt 4 chúng tôi, Thái Hà, Thu Hà, Đinh Thủy, Nguyễn Thủy sau đó đã giành HCV Liên hoan phim truyền hình toàn quốc 2010.

Trong một giờ học cuối khóa, 4 đứa được thầy đặt cái tên “Lưỡng Hà Song Thủy”  đã hí hoáy viết một lá thư nghịch ngợm gửi cho thầy, bảo thầy ơi, chúng em muốn thành lập một công ty làm kịch bản, thầy làm giám đốc đi. Thầy viết lại:  Đồng ý. He he. Kí tên. Giám đốc Alexan Đờ Cu Lập.

Cái tên Alexan Đờ Cu Lập chúng tôi đùa nhau gọi thầy bắt đầu từ đó.

4.  Có lẽ, từ những mong ước ngây thơ ban đầu của chúng tôi, và cũng vì thương những học trò trong khóa, ra trường rồi chưa xin được việc, cuối cùng thầy  quyết định lập một công ty thật. Một công ty chuyên về kịch bản. Rồi từ ấy, là “Một ngày không có em”, “Lập trình cho trái tim”, “Siêu thị tình yêu”, “Con đường hạnh phúc…” những bộ phim liên tiếp ra đời… Trong đó “Lập trình cho trái tim” đã trở thành một trong những  bộ phim truyền hình gây sốt nhất từ trước tới nay.

Thời gian ấy, biết bao niềm vui. Biết bao nỗi buồn. Biết bao tranh cãi… Học trò – nhân viên căng mắt làm kịch bản. Thầy giáo – giám đốc vò đầu bứt tóc ngồi biên tập.  Bàn tay phải lách cách gõ bàn phím, sửa từng chữ, từng đoạn. Kì cụi cả đêm. Mớ tóc là bị thầy hành hạ nhiều nhất, mỗi lần tức tối ngoài đập bàn phím thì lại vò đầu đến rối tinh rối mù.

Và rồi là những buổi họp, những lần trả kịch bản. Lũ học trò lần nào cũng nín cả thở, hồi hộp, đợi chờ “phán xét” của thầy. Bị thầy mắng, thầy chê thì buồn thối cả lòng. Được khen một câu, thì sướng âm ỉ cả tuần không hết… Nhưng đáng giá hơn cả, là từ những họp bàn và rút kinh nghiệm ấy, chúng tôi được thầy truyền đạt, chỉ dẫn những bài học, mà  sau này càng làm nghề, chúng tôi càng ngấm.

Trong khoảng thời gian vài ba năm đó, chúng tôi từng là nguồn gốc của những cơn thịnh nộ của thầy, nỗi thất vọng của thầy, sự bực bội của thầy. Nhưng, chúng tôi cũng biết, chúng tôi hẳn cũng từng là niềm vui của thầy, sự trìu mến của thầy, sự hi vọng của thầy…

Ấm áp là những khi vừa kí kết hợp đồng, lúc tiền nhuận bút về, những lúc nghe tin phim bắt đầu bấm máy… thầy trò lại ngồi uống bia, hát hò vui vẻ bên nhau. Lũ chúng tôi toàn con gái, giỏi ăn chứ không giỏi uống, lần nào cũng chỉ nhìn thầy uống bia rồi há hốc mồm nghe thầy kể những câu chuyện thâm cung bí sử trong làng văn. Những kinh nghiệm làm nghề. Những ứng xử trong đời sống, rồi nghe thầy lắc đầu tặc lưỡi “Bọn con gái ăn nhiều thật” hay thỉnh thoảng tư vấn tình yêu “Mấy cái đứa này ngốc quá, chọn đàn ông là phải thế này này…”

Thầy trở thành người cha, người anh, người bạn lớn của tất cả chúng tôi. Vậy nên, khi các bạn của khóa biên kịch thứ 2 muốn thầy giảng dạy thêm, chúng tôi thậm chí còn giận thầy, vì thầy đã không coi chúng tôi là những học trò duy nhất.

Nhưng cuối cùng, tất cả những học viên từng được thầy dẫn dắt đều làm việc với nhau, gắn bó với nhau. Vì chúng tôi có chung đam mê nghề nghiệp. Và vì chúng tôi có chung một người mà chúng tôi cùng yêu quý. Là thầy.

5. Sau này, khi bắt đầu có thể tự đứng vững bằng đôi chân của mình, ra ngoài làm việc, va chạm, chúng tôi mới nhận ra, thật may, trong giai đoạn đầu tiên, chúng tôi đã có thầy đỡ đầu, đã có thầy che chắn. Bởi lẽ, khi bước vào môi trường quá nhiều tráo trở, bị lừa lọc, bị ăn chặn, bị quỵt tiền… chúng tôi mới hiểu ngày đó, nếu không có thầy, chúng tôi đã không dễ dàng đến thế, để có được những dự án đầu tiên, những bộ phim đầu tiên.

Thầy, người ngày ngày xức dầu để có thể đủ sức khỏe lên lớp, không bỏ buổi nào.

Thầy, người rút tiền chia cho từng đứa, khi nhận nhuận bút kịch bản. Thầy bảo thầy phát lộc. Thực ra là bởi thầy biết có mấy đứa đang hết tiền.

Thầy, người từng thuê cả chuyến xe về Nam Định, để lũ học trò biết không khí liên hoan phim, để chúng có thêm động lực cố gắng.

Thầy, người từng tặng cho học trò từng tấm thẻ điện thoại.

Thầy, người từng yêu cầu các diễn viên tên tuổi “chào” lũ học trò cho tử tế, với tuyên bố “Sau này chúng mày rồi sẽ cần tụi nó đấy”.

Thầy, người từng bảo “Các em hoàn toàn có khả năng. Nếu các em không tin chính mình, thì làm sao người ngoài tin các em được”.

Thầy, người đã khiến chúng tôi có sự tự trọng khi làm nghề. Bởi lẽ, chúng tôi được dán một cái mác, là học trò thầy Lập.

Được là học trò của thầy, với chúng tôi, là cơ duyên. Là may mắn.

Và hẳn, cũng là một thương hiệu. Một thương hiệu mà chúng tôi luôn trân trọng với riêng mình!

Hà Nội, 12.2014

Những học trò thầy Nguyễn Quang Lập

nam linh - 2011

bo lap

Mình buồn thiu khi nghe tin Bọ Lập bị tạm giam. Mình là fan của Bọ Lập từ hồi mới tập tọ chơi blog, cũng như  blogger Bạch Dương Quảng Trị. Mình đã gặp Bọ Lập  và biết Bọ bị liệt nửa người, đi lại phải chống gậy khập khiễng khập khà, hàng ngày vẫn phải uống thuốc và tập tành để khỏi nằm liệt giường. Giờ Bọ bị giam, không biết sức khỏe của Bọ sẽ thế nào ?

Hôm qua, vào facebook, mình mừng rớt nước mắt khi đọc bức thư ngỏ của các trí thức xin Nhà Nước cho Bọ Lập tại ngoại để hầu tra.

Bức thư ở đây ạ: 

Thư ngỏ về việc tạm giam nhà văn Nguyễn Quang Lập

Mình mong Nhà Nước đồng ý với thỉnh nguyện này.

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
– Con ơi
trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.
– Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Từ đấy người lớn hỏi tôi:
– Bé ơi, Bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
– Bé yêu những người chân thật.
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không! những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vời.
In lên vết son đỏ chói.
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi giây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
1957

TIN ANH LẬP.
Sáng nay chị Hồng vào thăm nuôi anh Lập, đưa thêm những vật dụng cần thiết và thuốc bệnh, cơ quan công an tạo thuận lợi, nhận từ tay chị Hồng đơn xin tại ngoại cho anh Lập do bệnh tật hiểm nghèo theo quy định của pháp luật về những điều kiện có thể “thay đổi biện pháp ngăn chặn”.
Tất nhiên không gặp được anh Lập.
Khi bị tạm giữ, anh Lập vẫn mang theo cây gậy chống- rất cảm động vì nhiều anh em bạn bè lo lắng sợ không được mang theo gậy chống thì anh Lập sẽ không đi lại được.
Anh Lập cũng đã bỏ thuốc lá.

BẤM VÀO ĐÂY 

Bọ Lập

bo lap

namlinh

Một ngày vui

Hôm ni mình vui quá là vui.

Cô bạn nối khố lặn lội ra Đông Hà gặp mình sau 23 năm biền biệt.

Hai đứa mình ôm nhau chặt đến nghẹt thở.

Nói mắc cười, là nhờ có facebook.

Nói cũng mắc cười, tưởng xa chân trời hóa ra gần ngay trước mặt. Bạn nghe đồn đoán mình ở Mỹ, mình nghe đồn đoán bạn ở Nhật. Thì ra là mình về quê lấy chồng còn bạn thì vô Sài Gòn lấy chồng.

Mình đi chơi với bạn suốt một buổi, cầm tay nhau dung dăng dung dẻ, tạo dáng chớp ảnh, hái hoa cỏ tặng nhau.

Bạn kể chuyện thời con nít, mình cũng kể chuyện thời con nít. Hai đứa mình có ưu điểm giống nhau lời nói luôn đi trước tư duy.

Mình với bạn chớp rất nhiều ảnh, bạn nói xa nhau chỉ có ảnh để mà ngắm nhau. 

Lúc chia tay, hai đứa mình lại ôm chặt nhau đến nghẹt thở, tự dưng lại cùng cười ric ric : “Ái biệt ly buồn, hi hi…”

Em Cỏ Ba Lá kêu mình làm trang facebook đồ ăn đồ uống, thấy cũng vui vui
goc bep co nu

Ra vườn, gặp nhành phong lan bị gió làm gãy, chợt nghĩ hôm qua em í xinh thế mà giờ đã làm cánh hoa tàn. Mình đem em í vô, đặt cạnh chén chè để làm duyên.

2 4 6 che1

che khoai tia